Bước tới nội dung

Lòng mẹ (bài hát)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
"Lòng mẹ"
Bài hát
Ngôn ngữtiếng Việt
Phát hành1959
Thể loạiNhạc vàng
Sáng tácY Vân

"Lòng mẹ" là một tác phẩm thuộc dòng nhạc vàng Việt Nam được sáng tác bởi nhạc sĩ Y Vân vào năm 1959. Ca khúc được nhạc sĩ viết sau một đêm mẹ ông bị quân cảnh tạm giữ do đi quá giờ giới nghiêm, thể hiện sự yêu thương của ông đối với người mẹ của mình. Bài hát giúp cho tên tuổi Y Vân trở nên nổi tiếng ở Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này.

Có ý kiến xem "Lòng mẹ" như "quốc ca" của tình mẫu tử ở Việt Nam. Ca khúc cũng đã được hát tại nhiều đêm nhạc trong và ngoài nước, cũng như được tấu lên ở nhiều đám hiếu tại Việt Nam.

Hoàn cảnh ra đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo gia đình nhạc sĩ Y Vân, vào cuối thập niên 1950, Y Vân làm nhạc công cho các nhà hàng ở Sài Gòn, nhằm kiếm tiền nuôi mẹ già và hai em. Mỗi đêm, khi Y Vân đi làm thì mẹ ông ở nhà bê quần áo đi giặt tại máy nước công cộng.[1] Một hôm, mẹ của nhạc sĩ đi quá giờ giới nghiêm, bị quân cảnh tạm giữ. Từ việc này, vì thương mẹ mà Y Vân khóc, từ đó sáng tác ra nhạc phẩm "Lòng mẹ".[2] Theo Y Vân, bản thảo bài hát của ông nhòe nhoẹt nước mắt khiến ông không còn nhận ra các nốt nhạc mình đã viết.[3]

Khi viết xong "Lòng mẹ", Y Vân cũng là người đầu tiên trình bày ca khúc này. Nghe ca khúc, mẹ ông đã khóc.[4] Thời điểm ra đời "Lòng mẹ" được cho là năm 1959.[5] Bản nhạc "Lòng mẹ" được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tinh hoa Miền Nam cho thấy "Lòng mẹ" có hai lời.[6] Khánh Ly đã thu âm ca khúc này trước năm 1975 trong băng Nhã Ca 5.[7]

Sử dụng, đón nhận và phổ biến

[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi sáng tác, "Lòng mẹ" đã giúp cho tên tuổi Y Vân trở nên nổi tiếng, trở thành nhạc sĩ ăn khách trong giới âm nhạc miền Nam lúc bấy giờ; bài hát nổi tiếng đến mức dù có thêm những sáng tác mới, trẻ trung nhưng Y Vân vẫn đóng đinh sự nghiệp ở "Lòng mẹ".[8][9] Người được cho là gắn liền tên tuổi với ca khúc chính là ca sĩ Giao Linh,[10][11] được cho là "đã đi vào lòng nhiều thế hệ".[12] Nhiều ca sĩ nữ khác cũng đã thể hiện ca khúc này như Thái Thanh, Hoàng Oanh, Hương Lan.[6][13] Với giọng nam, người được cho thể hiện thành công nhất ca khúc là ca sĩ Ngọc Sơn. Ông cũng sáng tác một bài hát cùng tên theo thể điệu bolero và thường được gọi là "Lòng mẹ 2".[2]

Năm 1992, Y Vân qua đời, quan tài ông quàn tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo vợ nhạc sĩ, mẹ ông đã nói Y Vân đã "làm tròn chữ hiếu" ngay từ lúc viết xong ca khúc "Lòng mẹ".[2][14] Năm 2015, Hương Lan đã thể hiện ca khúc này trong chương trình Sol Vàng60 năm cuộc đời vinh danh nhạc sĩ Y Vân.[15] Ngoài ra, bài hát "Lòng mẹ" được trình diễn tại nhiều đêm nhạc khác nhau ở cả trong nước Việt Nam và hải ngoại.[16] Ca khúc cũng được sử dụng để tấu nhạc trong nhiều đám tang của người Việt.[17][18]

Nhận xét

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo cây viết Hà Đình Nguyên trên báo Thanh Niên và nhà thơ Du Tử Lê, "Lòng mẹ" được xem như "quốc ca" về tình mẫu tử tại Việt Nam.[19][20][1] Theo nhạc sĩ An Hiếu, bài hát có "giai điệu đẹp, ca từ giản dị, không đề cập ý tứ xa vời", "thể hiện hình ảnh đặc trưng của người mẹ Việt Nam"; đồng thời khẳng định bài hát "vẫn duy trì sức sống", "là một tác phẩm âm nhạc chất lượng".[2]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b Đình Phùng (ngày 5 tháng 10 năm 2020). "Vợ nhạc sĩ "60 năm cuộc đời" vẫn giữ thư tình của chồng với người con gái khác". Báo Pháp luật Việt Nam. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  2. ^ a b c d Phương Linh (ngày 18 tháng 8 năm 2024). "'Lòng mẹ' - giai điệu tình mẫu tử". VnExpress. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  3. ^ Nguyễn Đình San (ngày 7 tháng 5 năm 2021). "Cuộc đời như tiểu thuyết của một nhạc sĩ tài hoa". Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  4. ^ Nông Hồng Diệu (ngày 24 tháng 10 năm 2022). "Tác giả '60 năm cuộc đời' qua lời kể của em trai". Báo Tiền Phong. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  5. ^ Hiếu Nhân (ngày 22 tháng 8 năm 2020). "Những ca khúc cho mùa Vu Lan". VnExpress. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  6. ^ a b Đông Kha (ngày 15 tháng 11 năm 2018). "Hoàn cảnh sáng tác bài hát "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân". Nhạc Xưa Thời Báo. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  7. ^ Đông Kha (ngày 13 tháng 8 năm 2019). "Những ca khúc viết về mẹ nổi tiếng được sáng tác trước năm 1975". Nhạc Xưa Thời Báo. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  8. ^ Tuy Hòa (ngày 16 tháng 10 năm 2018). "Nhạc sĩ Y Vân: Mối tình đầu mở lối vào âm nhạc". Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  9. ^ "Nhạc sĩ Y Vân: 60 năm cuộc đời không lãng quên". Báo Giáo dục và Thời đại. ngày 17 tháng 8 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
  10. ^ "'Hãy nghe tôi hát' đêm nhạc Giao Linh: Hà Vân, Ngọc Liên ngậm ngùi dừng bước". Báo Thanh Niên. ngày 3 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  11. ^ Bội Kỳ (ngày 12 tháng 4 năm 2020). "Giọng ca buồn theo mãi niềm thương nhớ". Báo Nông nghiệp và Môi trường. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  12. ^ Quỳnh Trang (ngày 26 tháng 7 năm 2014). "Đêm nhạc về Mẹ nhân mùa Vu Lan". Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
  13. ^ Tiểu Uyên; Hoàng Thái (ngày 8 tháng 3 năm 2014). "Những ca khúc Việt xúc động nhất về mẹ". Tạp chí Tri thức. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  14. ^ "Nhạc sĩ Y Vân và ca khúc 'Lòng mẹ'". Tạp chí văn học nghệ thuật Tiền Giang. ngày 18 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  15. ^ Linh Huỳnh (ngày 9 tháng 8 năm 2015). "Hương Lan, Đàm Vĩnh Hưng gây xúc động trong đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Y Vân". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
  16. ^ Xem các nguồn:
  17. ^ "Bức xúc việc tang thời mở cửa (kỳ 2)". Báo Pháp luật Việt Nam. ngày 30 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
  18. ^ Trung Nghĩa (ngày 3 tháng 11 năm 2003). "Những người tấu khúc biệt ly". Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.
  19. ^ Hà Đình Nguyên (ngày 19 tháng 10 năm 2022). "Mẹ - người phụ nữ tuyệt vời nhất". Báo Thanh Niên. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2025.
  20. ^ Du Tử Lê (ngày 10 tháng 10 năm 2012). "Y Vân, 'Lòng Mẹ', như một… 'Quốc ca của tình mẫu tử'". Nhật báo Người Việt. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2025.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]